[Tip & Trick] 3 tuyệt chiêu để có những bức ảnh tự nhiên nhất!

Minh-Phuong_pre_PhuQuoc-69.jpg

Là một wedding photographer đã bao giờ bạn cảm thấy mình hoàn toàn lạc lõng giữa một khung cảnh mới lạ mà không biết phải làm gì, nói gì với với cặp đôi khách hàng đang đứng trước mặt bạn chưa? Đã bao nhiêu lần bạn cố gắng nói khách hàng của mình bắt chước một tư thế tạo dáng đó mà bạn xem được ở đâu đó và cái mà bạn nhận được là những bức hình cứng đơ như tượng sáp hoặc trông rất gượng gạo, không tự nhiên vì không phải khách hàng nào của bạn cũng đẹp như những bức ảnh mà bạn xem trên mạng? Đã bao nhiêu lần bạn cảm thấy lúng túng, mất tự tin vì cảm giác không kết nối được với những người trước ống kính của bạn và lúc đó bạn chỉ mong kết thúc thật nhanh buổi chụp nên bạn sẽ tìm cách ra lệnh hoặc ép khách hàng làm những kiểu tạo dáng lặp đi lặp lại một cách nhàm chán?

Có một sự thật đó là hầu hết người bình thường chúng ta không hề cảm thấy thoải mái, tự nhiên khi phải tạo dáng trước ống kính máy ảnh nhưng tất cả những cặp đôi khi thuê một nhiếp ảnh gia chụp cưới thì đều có chung một mong muốn là sẽ nhận lại được những bức ảnh mà trong đó họ trông phải thật tự nhiên, thật đẹp, thật lộng lẫy. 

Nếu như tạo dáng (posing) cho khách hàng là một trong những vấn đề làm cho bạn đau đầu thì hãy đọc hết bài viết này nhé! Mình sẽ chia sẻ cho các  bạn một vài bí quyết giúp cho mình chụp được những bức ảnh tự nhiên nhất!

“Nói một cách ngắn gọn thì để có những bức ảnh tạo dáng tự nhiên nhất thì bí mật lớn nhất đó là đừng bắt khách hàng tạo dáng (unposed) “

Luôn có hai mặt tồn tại song song trong một con người: cảm xúc và lý trí. Đôi khi khách hàng và chính bản thân của người chụp bị lý trí chi phối quá nhiều nên dẫn đến việc bị gượng gạo, cứng nhắc trong việc chụp ảnh. Vậy việc cần làm của một wedding photographer là cân bằng thật tốt hai mặt này và làm sao cho khách hàng bộc lộ được mặt cảm xúc của họ ra thật nhiều. Nếu bạn có thể làm cho khách hàng cảm thấy thật sự thoải mái trước ống kính của bạn thì bạn sẽ luôn đạt được những bức ảnh mà bạn mong muốn. Hãy bỏ qua những yếu tố nặng nề về kỹ thuật, bỏ qua những kiểu posing khuôn mẫu mà bạn đã chuẩn bị từ trước đi, thay vào đó hãy tập trung vào cảm xúc, khai thác, khơi gợi những cảm xúc của cặp đôi đang yêu nhau trước mặt  bạn, bạn sẽ thành công trong việc chụp được những bức ảnh tự nhiên nhất.

Lần trước mình có viết bài  “5 mẹo nhỏ giúp bạn chụp được những bức ảnh tự nhiên và giàu cảm xúc” thì hôm nay mình sẽ chia sẻ thêm 3 tuyệt chiêu cực xịn nữa để giúp các bạn có thể vượt qua được nỗi sợ hãi về chuyện tạo dáng cho khách hàng, và hơn nữa đó là giúp các bạn tạo được sự kết nối sâu sắc hơn với các cặp đôi đứng trước ống kính của bạn.

Tip #1 | Một mối quan hệ tốt với khách hàng sẽ thay đổi tất cả:

BIM_7381.JPG

Đầu tiên chúng ta cần xác định rõ một chuyện đó là để buổi chụp ảnh diễn ra một cách suôn sẻ thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Không phải việc bạn dùng máy ảnh gì, bạn sẽ chụp art hay xịn như thế nào, mà chính việc xây dựng được một mối quan hệ thật tốt với khách hàng, tìm cách lấy được lòng tin của khách hàng càng nhiều càng tốt sẽ giúp cho bạn chụp được những bức ảnh tự nhiên nhất!

Việc xây dựng mối quan hệ và lòng tin ở khách hàng bắt đầu từ khoảnh khắc lần đầu tiên bạn nói chuyện với họ qua email, qua các cuộc điện thoại hoặc gặp mặt trực tiếp. Xa hơn nữa, nó bắt đầu ngay từ việc bạn xây dựng hình tượng cá nhân, xây dựng thương hiệu của bạn. Khách hàng sẽ có những cái nhìn, đánh giá sơ bộ trước tiên từ những bài đăng trên mạng xã hội, trên trang web và những bài viết chia sẻ của bạn. Sẽ chẳng có một khách hàng nào muốn book một anh photographer suốt ngày than vãn hoặc chửi rủa hoặc đăng những thứ tiêu cực lên mạng xã hội cả. Xây dựng lòng tin với khách hàng đôi khi bắt đầu từ những việc rất nhỏ nhặt như vậy. 

Xây dựng một mối quan hệ tốt với khách hàng cũng là cách giúp các bạn dễ có tiền tip nhất :D

Xây dựng một mối quan hệ tốt với khách hàng cũng là cách giúp các bạn dễ có tiền tip nhất :D

Tiếp đó để tạo được một mối quan hệ thật sự tốt và sâu với khách hàng của mình thì các bạn phải thật sự quan tâm đến khách hàng của mình, quan tâm đến câu chuyện của họ và cố tìm hiểu xem những điều gì đã kết nối hai con người này với nhau. Hãy xây dựng những sự kết nối và đồng điệu sâu sắc thay vì chỉ hỏi những câu hỏi đơn giản và máy móc một cách hời hợt mỗi khi có dịp đối thoại với khách hàng của mình.

Hãy cố gằng tìm kiếm những sự đồng điệu với khách hàng của mình, càng nhiều càng tốt, làm sao để khách hàng cảm thấy rằng mình là một người thú vị và tinh tế chứ không chỉ là một người thợ chụp ảnh. Có như vậy họ mới sẵn sàng mở lòng ra với bạn. Dành thời gian tìm hiểu những gì khách hàng muốn và tại sao như vậy. Khi hiểu rõ những mong muốn của khách hàng thì hãy lên kế hoạch thật chi tiết để biến những mong muốn của họ thành sự thật. Mình thường nói với các bạn học viên của workshop “Kỹ năng mềm của wedding photographer” rằng câu chuyện đằng sau bức ảnh nó quan trọng hơn chính bản thân bức ảnh. Nếu bạn thật sự đồng điệu với khách hàng bạn sẽ biết cách để tạo ra những bức ảnh có giá trị lâu dài.

Câu chuyện thật sự đằng sau bức ảnh này là gì? Tại sao cô dâu lại khóc? Chắc chắn chỉ những người trong cuộc mới biết và đây sẽ là một bức ảnh khiến cho cô dâu chú rể nhớ rất lâu sau này.

Câu chuyện thật sự đằng sau bức ảnh này là gì? Tại sao cô dâu lại khóc? Chắc chắn chỉ những người trong cuộc mới biết và đây sẽ là một bức ảnh khiến cho cô dâu chú rể nhớ rất lâu sau này.

Thật ra khi mới bắt đầu cầm máy chụp ảnh cưới, mình cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng các mối quan hệ tốt với khách hàng sẽ giúp buổi chụp thoải mái như thế nào. Tuy nhiên do không trang bị đầy đủ các kỹ năng mềm, các kỹ năng giao tiếp và tương tác với CDCR nên mình cũng đã lúng túng và lâm vào những trường hợp như đã nêu ở đầu bài. Càng về sau, tiếp xúc với nhiều khách hàng hơn, đọc thêm các tài liệu khác nhau về kỹ năng mềm, mình mới có những kế hoạch làm việc với khách hàng một cách bài bản và đúng đắn. Trong các cuộc gặp mặt và trao đổi với khách hàng trước buổi chụp, mình bắt đầu suy nghĩ kỹ lưỡng hơn về mọi thứ cố gắng lắng nghe khách hàng nhiều hơn và đồng cảm với khách hàng nhiều hơn. Và khi mình bắt đầu quan tâm thực sự đến người khác, mình bắt đầu đặt những câu hỏi “tại sao” với mọi thứ, và việc đó khiến mình bắt đầu thấy một bức tranh lớn hơn nhiều về cuộc sống và mục đích của mình với tư cách là một wedding photographer. Tại sao hai vợ chồng bạn quyết định kết hôn? Tại sao hai chọn lại chọn mình mà không phải là một wedding photographer nào khác? Những khó khăn mà hai bạn đã cùng nhau trải qua để đến được với nhau? Hai bạn sẽ muốn cảm thấy như thế nào trong những bức ảnh sắp chụp và tại sao?… Khi bạn đã thật sự hiểu về mong muốn của khách hàng, bạn sẽ có thể bắt đầu lên một kế hoạch để mang đến cho khách hàng mình đến những gì họ thực sự mong muốn và cũng như phá vỡ bức tường cản trở giữa wedding photographer và khách hàng.

Đạt được những điều mình vừa nói ra ở trên sẽ giúp cho các bạn ít phải tạo dáng hơn trong buổi chụp và nghiêng nhiều hơn về việc tạo ra những kết nối và những bức ảnh giàu ý nghĩa. 

Minh-Phuong_pre_PhuQuoc-88.jpg

Mẹo nhỏ về giao tiếp: Trong lần đầu tiên gặp gỡ khách hàng (và bất cứ khi nào bạn nói chuyện với họ), hãy nhìn vào mắt họ và đừng bao giờ phá vỡ sự kết nối bằng mắt đó. Hãy thử xem bạn có thể kéo dài bao lâu. Lúc đầu, đây sẽ là một trò chơi, một thử thách nhỏ dành cho bạn nhưng dần dà nó sẽ trở thành thói quen và có ảnh hưởng rất lớn đến việc cải thiện khả năng giao tiếp của bạn. 

Tip #2 |  Tạo ra các chuyển động thay vì là đứng một chỗ tạo dáng:

KLS06142-Edit.jpg

Workshop thu phí đầu tiên mà mình tổ chức có tên gọi là “Kỹ năng giao tiếp và tương tác với CDCR” sau này nâng cấp thành workshop “Kỹ năng mềm của wedding photographer” và đến nay đã có hàng trăm bạn wedding photographer từng tham gia qua khóa học này đã rất thành công trong việc chụp được những bức ảnh thật sự giàu cảm xúc. Một trong những tip mà mình hướng dẫn các bạn trong workshop đó chính là hãy cố gắng đưa sự chuyển động vào trong khung hình của bạn.

Hãy khơi gợi và hướng dẫn khách hàng mình một cách khéo léo và tinh tế chứ không phải là ra lệnh hay điều khiển họ. Thay vì pose những dáng tĩnh, hãy cố gắng tạo ra các chuỗi hành động. Đó là một trong những chìa khóa quan trọng nhất để có được hình ảnh tự nhiên và lãng mạn. Một cách nghĩ khác cho việc chụp ảnh prewedding đó là hãy tưởng tượng rằng bạn là đạo diễn và cặp đôi CDCR là diễn viên của bạn. Hãy hướng dẫn họ, khuyến khích họ thực hiện một chuỗi các hành động khác nhau như đang thực hiện một cảnh phim nào đó mà bạn tưởng tượng ra  chứ không đơn thuần là đứng yên một chỗ. Nếu bạn tương tác đủ sâu với khách hàng và khách hàng dành nhiều sự tin tưởng ở bạn, bạn sẽ tự tin yêu cầu họ làm điều đó mà bạn đang hình dung trong đầu mà không lo sợ việc bị họ từ chối.

Đừng bao giờ tạo dáng và bắt khách hàng giữ nguyên cái tư thế đó quá 3 giây, thay vào đó hãy khuyến khích họ chuyển động. Dù là có đứng yên tạo dáng cũng hãy nói họ âu yếm và ôm ấp nhau như thể đang chỉ có hai người họ ở đó thôi.  Khi yêu cầu khách hàng di chuyển thì bạn hãy sẵn sàng và hình dung ra trước bức ảnh sẽ chụp, thời điểm bấm máy là lúc nào và chờ đợi họ di chuyển vào đúng vị trí đó rồi bấm chụp hoặc bạn hãy cùng di chuyển với họ, vừa di chuyển vừa chụp sẽ tạo ra những bức ảnh thật sự sống động.

KLP_1449-Edit.jpg

Mẹo nhỏ: Đôi khi bạn sẽ không chắc chắn về việc một cái gì đó sẽ thực sự diễn ra như thế nào, vì vậy mình sẽ thường tự làm nó trước. Khi mình đi chụp prewedding hoặc engagement cho khác, tôi sẽ kéo một trong hai người họ ra (thường là chú rể) và diễn cho họ xem những gì mình hình dung với người kia. Tất nhiên hãy chắc chắn rằng họ cảm thấy thoải mái khi bạn có những hành động thân thiết như vậ. Một lần nữa, việc xây dựng một mối quan hệ thực sự với khách hàng lại chứng tỏ được sự cần thiết của nó. 

Tip #3 | Hãy cố gắng lên kế hoạch trước những gì bạn sẽ chụp:

R-T_Pre67.JPG

Mỗi khi đến một địa điểm mới để chụp ảnh (cho dù đó là địa điểm bạn đã chụp rồi) thì cũng đừng bao giờ bắt đầu chụp ngay. Hãy dành ra khoảng 15 phút đầu tiên, đi dạo một vòng quanh địa điểm chụp, hình dung trước những bức ảnh mà bạn sẽ chụp trong ngày hôm đó . Hãy nói với khách hàng rằng bạn không bao giờ muốn có những bức ảnh nhàm chán lặp đi lặp lại nên mỗi khi đến địa điểm chụp bạn sẽ lại đi quan sát, tìm ý tưởng mới. Hãy tận dụng khoảng thời gian đó để tìm góc chụp mới, lên kế hoạch cụ thể sẽ chụp gì, ở đâu, góc máy thế nào… và sau đó khi đã bắt tay vào chụp thì hãy làm đúng kế hoạch đã đề ra. Cố gắng biến buổi chụp thành một buổi đi chơi nhiều năng lượng và chụp thật nhiều ảnh. Cứ nói thẳng cho khách hàng biết cách làm việc của mình như thế nào và cũng đừng quá căng thẳng với cái ý nghĩ mình sẽ toàn chụp những bức ảnh hoàn hảo mà hãy nghĩ là mình sẽ chụp những bức ảnh thật tươi mới, mạnh dạn thử nghiệm, áp dụng những cái mới cho những địa điểm chụp đã cũ.

BIM_7758-Recovered.jpg

Mẹo nhỏ: Thông thường 15-30 phút đầu tiên của buổi chụp sẽ là khoảng thời gian khách hàng cảm thấy gượng gạo nhất. Do đó hãy cố gắng chụp những thứ đơn giản và hiệu quả như kiểu cho họ đi dạo nhẹ nhàng hoặc ngồi ở một vị trí nào đó họ cảm thấy thoải mái. Đây cũng là giai đoạn bạn tìm kiếm những góc mặt đẹp của CDCR, khoảng thời gian này không yêu cầu phải có những bức ảnh đẹp xuất sắc nhưng nó lại quyết định khá nhiều đến thành công của cả buổi chụp hôm đó. Nếu bạn xử lý tốt giai đoạn bắt đầu chụp, thời gian còn lại đôi khi sẽ diễn ra khá dễ dàng.

Một bức ảnh với góc chụp và cách xử lý độc đáo nhưng vẫn thấy được sự tự nhiên và năng lượng của cô dâu chú rể.

Một bức ảnh với góc chụp và cách xử lý độc đáo nhưng vẫn thấy được sự tự nhiên và năng lượng của cô dâu chú rể.

Để tìm hiểu sâu hơn về các kỹ năng giao tiếp và tương tác với khách hàng, những kỹ năng giúp cho bạn lấy được lòng tin của khách hàng, bạn có thể tham khảo qua workshop “Kỹ năng mềm của wedding photographer” hoặc nếu muốn nghiêm túc trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để thành một wedding photographer có nền tảng nhiếp ảnh vững chắc thì hãy cân nhắc tham gia lớp “Ảnh cưới chuyên sâu RAW” nhé!

Chia sẻ bài viết này nếu thấy nó có ích và vui lòng ghi nguồn giúp mình :D

Cám ơn các bạn.

Previous
Previous

[Kiến thức nhiếp ảnh] - 8 lý do mà các bạn nhiếp ảnh gia nên một lần thử chụp máy film!

Next
Next

[Kiến thức nhiếp ảnh] - Henri Cartier Bresson và khái niệm " Khoảnh khắc quyết định" - Decisive moment